Bệnh viện Đa khoa Thảo Nguyên : Phẫu thuật cấp cứu thành công lấy búi giun gần 100 con trong ổ bụng bệnh nhân 05 tuổi
Theo thông tin từ Bệnh
viện Đa khoa Thảo Nguyên, ngày 11/02/2023 Bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân Tráng A
Chớ 05 tuổi, bản Lóng Luông xã Vân Hồ vào viện trong tình trạng mệt mỏi li bì,
ăn uống kém, nôn nhiều, bí trung đại tiện hoàn toàn. Bệnh nhân được thăm khám
và làm các xét nghiệm, sơ bộ chẩn đoán tắc ruột nghi do giun. Bệnh nhân được Hội
chẩn chỉ định mổ cấp cứu để lập lại lưu thông ruột.
Các bác sĩ tại BVĐK Thảo Nguyên đã thực hiện nội soi thăm
dò, xác định vị trí tắc ruột, đưa quai ruột tắc ra ngoài thành bụng và rạch
quai ruột thấy có rất nhiều giun khoảng 100 con to nhỏ đa kích thước cuộn với
nhau thành búi gây tắc nghẽn hoàn toàn đoạn ruột cách van Bauhin 80cm. Kíp phẫu
thuật đã giải phóng toàn bộ búi giun, khâu phục hồi đoạn ruột làm sạch ổ bụng bằng DD NaCl
0,9%. Hiện tại sau phẫu thuật
sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, ăn uống nhẹ và trung đại tiện tốt.
Hình ảnh búi giun được gắp ra từ đoạn ruột non
của Bệnh nhân
Theo
các bác sĩ, giun không chỉ cư trú ở đường ruột mà có thể chui vào ống mật, gây
tắc ruột hoặc áp xe rất nguy hiểm. Thậm chí trường hợp đặc biệt, giun chui lên
não gây biến chứng nặng nề.
Khi Nhiễm
giun, trẻ thường bị rối loạn tiêu hóa, làm cản trở quá trình hấp thu
chất dinh dưỡng, các bé sẽ chậm lớn, suy dinh dưỡng, sức đề kháng kém vì thế dễ
mắc bệnh nhiễm khuẩn khác. Đó là chưa kể những biến chứng như giun chui ống mật,
tắc ruột hay ở các bé gái khi giun kim cái ra hậu môn đẻ trứng có thể bò sang bộ
phận sinh dục gây viêm nhiễm. Những trường hợp nhiễm giun móc trẻ có thể bị thiếu
máu nặng vì mất máu mãn tính do tổn thương niêm mạc ruột làm chảy máu kéo dài, vì
thế trẻ nhiễm giun thường biếng ăn, chậm lớn, suy dinh dưỡng
và chậm phát triển, thiếu máu. Nếu nhiều có thể gây tắc ruột nguy hiểm đến tính
mạng.
Qua
trường hợp Bệnh nhân Tráng A Chớ, Bệnh viện đã phối hợp với Trung trâm Y tế
cùng đội ngũ nhân viên Y tế thôn bản, tiểu khu tuyên truyền, GDSK đến toàn thể
nhân dân: Nâng cao ý thức vệ sinh bảo vệ môi trường không bị nhiễm phân, đặc biệt
là nền nhà, giường chiếu và quần áo trẻ em; Thực hiện ăn chín uống sôi. Vệ sinh
cá nhân tốt như cắt ngắn móng tay, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau
khi đi vệ sinh; Những đối tượng có nguy cơ cao nhất là cho trẻ em độ tuổi từ
2-12, tẩy giun định kỳ 02 lần/ năm.
Các
bác sĩ khuyến cáo các bậc phụ huynh có con nhỏ, nên tẩy giun cho các bé định kỳ
6 tháng/lần để bảo đảm sức khỏe. Ngoài ra, cha mẹ cần hướng dẫn các bé cách giữ
gìn vệ sinh ăn chín, uống sôi, rửa tay sạch sẽ trước khi ăn./.
Tin, ảnh: Bệnh viện
Đa khoa Thảo Nguyên