Trong năm 2022, Sơn La chưa ghi nhận ổ dịch sốt xuất huyết
trong cộng đồng, toàn tỉnh phát hiện 12 ca bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên các
ca bệnh này đều là sốt xuất huyết xâm nhập. Nhằm kiểm soát, phòng ngừa bệnh sốt
xuất huyết, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh đã tích cực đẩy mạnh công tác
tuyên truyền; tăng cường hoạt động giám sát ở cơ sở; triển khai các biện pháp
phòng ngừa không để dịch bệnh tái phát trở lại, bảo vệ sức khỏe nhân dân trên địa
bàn.
Là lực lượng nòng cốt trong công tác phòng, chống dịch bệnh,
hàng năm, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chủ động giám sát chặt chẽ tình
hình dịch tễ. Trong đó, thực hiện giám sát dịch tễ chủ động với các địa phương
đã ghi nhận có ổ dịch cũ về sốt xuất huyết; thực hiện giám trọng điểm với bệnh
nhân sốt xuất huyết lâm sàng, chỉ định lấy mẫu tất cả các trường hợp có biểu hiện,
triệu chứng nghi ngờ của bệnh từ đó phát hiện sớm và đề ra các biện pháp can
thiệp xử lý, ngăn chặn kịp thời dịch bùng phát trở lại.
Bà Nguyễn Thị San, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm,
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Trong năm 2022, Trung tâm đã chủ động
giám sát véc tơ, giám sát côn trùng tại huyện Mai Sơn và Mộc Châu. Qua đánh giá
kết quả giám sát, tại 7 tiểu khu và 2 chợ đầu mối của thị trấn Hát Lót, huyện
Mai Sơn đều có muỗi Aedes (vật trung gian truyền virus Sốt xuất huyết Dengue từ
người mang mầm bệnh sang người khỏe mạnh), trong đó tiểu khu 6, 19, 20 và các
khu vực lân cận có nguy cơ cao xảy ra dịch sốt xuất huyết; còn tại tiểu khu Chè
Đen (thị trấn Nông trường) và bản Lóng Cóc, xã Tân Lập, huyện Mộc Châu chưa
phát hiện có muỗi Aedes lây truyền bệnh. Tại các điểm giám sát, Trung tâm đã tổ
chức phun hóa chất diệt muỗi với quy mô 2.650 hộ dân, với diện tích phun
784.000m2 để chủ động phòng, chống dịch bệnh.
Năm 2020, trên địa bàn thị trấn Hát Lót, huyện Mai Sơn xuất
hiện ổ dịch sốt xuất huyết với hơn 60 ca mắc bệnh. Nhờ triển khai nhiều giải
pháp ngăn chặn, nên 2 năm qua, thị trấn Hát Lót đã kiểm soát tốt, không để dịch
bệnh tái phát. Bác sỹ Lê Thị Thanh Hà, Trạm trưởng Trạm Y tế thị trấn cho
biết: Là khu vực có nguy cơ cao dịch bệnh quay trở lại nên hàng năm, Trạm tích
cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân không chủ quan, lơ là;
bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình và hướng dẫn người dân vệ sinh môi trường,
diệt lăng quăng, bọ gậy, ngủ màn; phối hợp với Trung tâm y tế huyện, Trạm Y tế
thực hiện phun hóa chất diệt muỗi, giảm thiểu trung gian truyền bệnh. Khuyến
cáo người dân khi có dấu hiệu sốt cao đột ngột, kèm phát ban, cơ thể mệt mỏi,
nhức đầu... cần đi khám và lấy mẫu xét nghiệm sốt xuất huyết để được điều trị kịp
thời.
Bên cạnh đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh còn phối hợp
với các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân thực hiện
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thực hiện các chiến dịch vệ sinh môi trường,
thu gom phế thải, loại trừ bọ gậy; tổ chức tập huấn lồng ghép cho đội ngũ nhân
viên y tế tuyến cơ sở những kiến thức, kỹ năng về giám sát và xử lý ổ dịch. Trong
năm 2022, Trung tâm đã tổ chức 12 lớp tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ,
trong đó lồng ghép công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết cho gần 500 học
viên là đội ngũ cán bộ y tế tuyến cơ sở. Các địa phương trong tỉnh đã tổ chức hơn
300 hoạt động diệt lăng quăng, bọ gậy, thu hút 13.000 lượt người tham gia; hơn
10.000 dụng cụ chứa nước có lăng quăng, bọ gậy được xử lý; 6.600 người được
tuyên truyền lồng ghép về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết; 90% các xã trong tỉnh
thực hiện phát bài truyền thông trên loa truyền thanh của xã, bản; 100% các xã
trong tỉnh được giám sát dịch tễ…
Nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Mường La chưa ghi
nhận có ổ dịch sốt xuất huyết. Để giữ vững được kết quả đó, hàng năm, huyện đã
chủ động triển khai các biện pháp nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch
bệnh. Ông Nguyễn Đức Thắng, Trưởng khoa, khoa Kiểm Soát bệnh tật, Trung tâm Y tế
huyện thông tin: Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, Trung tâm đã phối hợp với các
xã lồng ghép thực hiện các chương trình, hoạt động ra quân tổng vệ sinh môi trường,
dọn rác thải, vệ sinh đường ngõ xóm; kiểm tra, xử lý các điểm nước tồn đọng, thu
gom các dụng cụ lắng nước có chứa loăng quăng; phun thuốc diệt côn trùng tại những
nơi có nguy cơ cao… hạn chế thấp nhất dịch bệnh phát sinh trên địa bàn.
Phấn đấu không để dịch bệnh sốt
xuất huyết quay trở lại, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố phối hợp với
ngành Y tế triển khai các chiến dịch diệt côn trùng truyền nhiễm; tăng cường
tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phòng ngừa dịch bệnh để thay
đổi hành vi, nhất là các nhóm đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh. Riêng ngành Y
tế triển khai giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ dịch sốt xuất huyết; tổ
chức các đoàn kiểm tra tại các điểm nóng, khu vực có nguy cơ bùng dịch và hỗ trợ
tuyến cơ sở chủ động phòng, chống dịch; chuẩn bị đầy đủ nguồn lực, các vật tư,
trang thiết bị y tế và thuốc trong công tác điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết…
BS CKI. Nguyễn Thị San - CDC Sơn La