NHỮNG KHÓ KHĂN, THÁCH THỨC CỦA NGÀNH Y TẾ TRONG GIAI ĐOẠN HIỆN NAY: NHẬN DIỆN ĐỂ NỖ LỰC VƯỢT QUA
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Đảng, sự điều hành
quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình dịch
bệnh Covid-19 trên phạm vi cả nước tiếp tục được kiểm soát tốt, góp phần phục
hồi nhanh và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên ngành y tế cả nước nói
chung, y tế tỉnh Sơn La nói riêng đang đứng trước những khó khăn, thách thức
rất lớn, cần được nhận diện thẳng thắn và sớm có những giải pháp khắc phục, để
ngành y tế tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả là: chăm sóc, bảo vệ và nâng cao
sức khỏe cho nhân dân.
Vượt
qua những vất vả, hy sinh và bằng sự cống hiến thầm lặng, không mệt mỏi của đội
ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng chống dịch, năm 2022, ngành y tế vẫn
đang trụ vững trong hành trình thực hiện sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho người
dân. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành y tế cũng đang đối mặt
với rất nhiều khó khăn, vướng mắc cần sớm được giải quyết, đó là:
Một
là: Tình trạng thiếu thuốc, vật tư,
thiết bị y tế ảnh hưởng trực tiếp, hàng ngày đến công tác chăm sóc sức khỏe
nhân dân. Nguyên nhân chính là do những sự vụ xảy ra trong ngành dẫn đến rào
cản vô hình trong triển khai đấu thầu mua sắm. Các thông tư, văn bản hướng dẫn
đấu thầu còn nhiều bất cập, nhân lực cho công tác đấu thầu thiếu, chưa được đào
tạo chuyên sâu về đấu thầu. Vướng mắc xuất hiện ngay từ giai đoạn xây dựng giá
dự toán, xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Vấn đề trên còn đến từ nguyên
nhân khách quan là trong thời gian qua, việc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt
gãy, giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, một số nước áp dụng các biện pháp
chống lạm phát…
Hai
là: Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc
của cán bộ, nhân viên tại các cơ sở y tế khu vực công lập có xu hướng tăng lên.
Theo số liệu thống kê của Công đoàn Y tế Việt Nam, tính chung từ đầu năm 2021
đến 30/6 năm 2022, toàn ngành có 9.400 viên chức y tế xin thôi việc, nghỉ việc.
Trong đó có 8.620 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của các Sở Y tế các tỉnh,
thành phố và 780 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự
nghiệp trực thuộc Bộ Y tế.
Ba
là: Vướng mắc trong
tự chủ, nhất là tự chủ bệnh viện. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính
đúng, đủ các chi phí cấu thành giá. Các vấn đề về tài chính y tế còn nhiều bất
cập như: mệnh giá BHYT, thanh toán BHYT, liên doanh liên kết, xã hội hóa, hợp
tác công tư...
Bốn
là: Hệ thống y tế
dự phòng còn bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là tại tuyến y tế cơ sở. Ngoài đại dịch
Covid-19, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác có xu hướng diễn biến phức tạp,
khó lường, tâm lý chủ quan của người dân đối với dịch bệnh… dẫn đến nguy cơ
dịch chồng dịch. Đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng chưa
bảo đảm theo Nghị quyết số 18/2008/QH12 ngày 03/6/2008 của Quốc hội.
Năm
là: Những thách
thức do mô hình bệnh tật thay đổi; già hóa dân số; toàn cầu hóa, đô thị hóa và
biến đổi khí hậu… tiềm ẩn nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe người dân. Trên
thực tế, nhu cầu của người dân ngày càng cao hơn trong việc cung cấp các dịch
vụ y tế chất lượng, kịp thời.
Chúng
ta đều nhận thấy, y tế là trụ cột chính trong vấn đề an sinh xã hội. Bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là trách nhiệm của các cấp, các ngành và
của toàn xã hội. Lúc này, hơn lúc nào hết Chính phủ, Bộ Y tế, các Bộ, Ngành và
cả hệ thống chính trị cần đưa ra các giải pháp thiết thực để giúp ngành y tế,
các đơn vị y tế và đội ngũ công chức, viên chức y tế đứng vững, từng bước vượt
qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình. Trước những khó khăn,
thách thức nêu trên, câu chuyện đi tìm giải pháp là nội dung được đề cập nhiều
trong các buổi họp của Chính phủ và ngành y tế.
Tại
Hội nghị Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh
hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững (diễn ra vào cuối tháng
8/2022), một trong những giải pháp trọng tâm mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ
Y tế là quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y
tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan
liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho
cán bộ ngành y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu
đãi đặc thù ngành; chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh
vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sỹ khi hy sinh và có biện pháp phù
hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ.
Với mục tiêu “chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của người dân là trên hết, trước hết”,
Thủ tướng cũng chỉ đạo tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp, xử lý dứt
điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện. Bộ Y tế
cùng các Bộ rà soát và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ
chế đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm nguyên tắc minh bạch, khả thi
và tạo sự yên tâm cán bộ thực thi công chức công vụ, tránh tâm lý sợ việc đấu
thầu. Giải quyết bài toán tự chủ của các cơ sở y tế, Thủ tướng yêu cầu khẩn
trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế
tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và sớm hoàn thành phương án thực hiện
chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, để sớm giải quyết nút thắt tự
chủ. Đồng thời, tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ BHYT gắn với giảm
chi tiền túi của người dân.
Chúng
ta hy vọng và tin tưởng rằng, với những giải pháp và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính
phủ, với sự nỗ lực vượt khó của đội ngũ cán bộ, viên chức, ngành y tế cả nước
nói chung và y tế Sơn La nói riêng sẽ sớm vượt qua những khó khăn thách thức,
tiếp tục vươn lên để hoàn thành tốt sứ mệnh bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe nhân dân.
TS.BS.
Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Trung tâm KSBT