BỆNH DẠI VÀ CÔNG TÁC PHÒNG CHỐNG
Lượt xem: 1442
anh tin bai

Chó, mèo là vật nuôi quen thuộc đối với rất nhiều gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không được quản lý, không được tiêm phòng dịch và không được chăm sóc đúng cách, chúng sẽ dễ trở thành “thú dữ”, gây hại đến sức khỏe của con người.

Năm 2023 cả nước ghi nhận 82 trường hợp tử vong do dại, năm 2024 tính đến ngày 23/02/2024 ghi nhận 17 ca dại (tăng 08 ca so với cùng kỳ năm 2023). Tại Sơn La hằng năm vẫn ghi nhận các ca mắc, trong 5 năm gần đây (năm 2019: 06 ca, 2020: 02 ca, 2021: 02 ca, 2022: không, 2023:01 ca).  Khi đã lên cơn dại 100% người bệnh sẽ tử vong.

Để hiểu về bệnh Dại, người dân cùng nắm bắt và có các biện pháp phòng, chống hiệu quả:

1. Bệnh dại là gì?

Bệnh Dại là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút Dại gây ra, bệnh lây truyền từ động vật sang người qua vết cắn, vết thương, vết cào, liếm của động vật. Bệnh do một loài virus hướng thần kinh gây ra, thường gây tác hại thần kinh, bắt nguồn từ não và tủy sống. Vật bị bệnh thường điên cuồng hay bại liệt rồi chết. Ở nước ta, chó nhà là nguồn bệnh dại chủ yếu chiếm đến hơn 90%, sau  đó là mèo nhà.

2. Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm và có người dẫn.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm cần:

+ Rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút, nếu không có xà phòng thì phải xối rửa vết thương bằng nước sạch - đây là biện pháp sơ cứu hiệu quả để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh dại khi bị chó, mèo cắn.

+ Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%.

+ Hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương.

+ Đến ngay cơ sở y tế gấn nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.

+ Tuyệt đối không được điều trị bằng thuốc nam và các phương thuốc dân gian, gia truyền.

Ngoài bệnh dại, chó và mèo còn truyền nhiều căn bệnh khác, trong đó có không ít bệnh nguy hiểm, khó chữa. Vì vậy, những gia đình có trẻ em nên hạn chế nuôi chó, mèo, vì trẻ em thường hay lê la, đưa vào miệng những vật dụng trên nền nhà. Tuyệt đối không cho trẻ ôm hôn chó mèo, đặc biệt là không cho trẻ nhỏ chọc phá, trêu ghẹo chó, mèo lạ, nhất là chó, mèo chạy rong ngoài đường.

  BS CKI. Nguyến Thị San - CDC Sơn La

Đăng nhập

 

BẢN QUYỀN THUỘC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH SƠN LA

Chịu trách nhiệm xuất bản: BS CKII. Lê Hồng Trường - Giám đốc

Địa chỉ:  Số 84A - Đường Lò Văn Giá, tổ 4, Phường Chiềng Lề, TP.Sơn La -  ĐT: 0212.3852.247 (Liên hệ trong giờ hành chính) - Email: ttksbt@sonla.gov.vn

Giấy phép Website: Số 02/GP-TTĐT ngày 18/02/2020; Số 01/GP-TTĐT ngày 31/10/2023