Trung tâm Kiểm soát bệnh tật: Triển khai Tập huấn công tác y tế lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích cho các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh Sơn La năm 2022
Thực hiện Kế hoạch số 117/KH-KSBT ngày 08/02/2022 của Trung
tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC), về triển khai hoạt động vệ sinh an toàn lao động,
sức khỏe nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích năm 2022, trong tháng 5
và tháng 7/2022 Trung tâm CDC đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Phù
Yên và Trung tâm Y tế huyện Mộc Châu triển khai 3 lớp tập huấn.
Công tác vệ
sinh an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích
đã được triển khai tại tỉnh Sơn La nhiều năm, các hoạt động đã đi vào nề nếp,
các cơ sở lao động trên địa bàn tỉnh đã triển khai các nội dung cơ bản theo quy
định của pháp luật. Tuy nhiên hàng năm vẫn có các cơ sở được thành lập mới,
nhân sự chuyên trách của các đơn vị cũng thường xuyên có sự thay đổi, đồng thời
các văn bản mới của nhà nước về lĩnh vực vệ sinh an toàn lao động cũng có cập
nhật, bổ sung do đó việc tập huấn lại là rất cần thiết và phải duy trì hàng
năm. Được sự quan tâm của UBND tỉnh Sơn La, Sở Y tế, hàng năm đầu tư kinh
phí cho các hoạt động tập huấn, giám sát, vệ sinh an toàn lao động, sức khỏe
nghề nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích, các cơ sở lao động, doanh
nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Tại huyện
Phù Yên từ ngày 25-26/07/2022 đã tổ chức 2 lớp tập huấn tại Xí nghiệp giầy Phù
Yên II cho 109 học viên là lãnh đạo đơn vị, cán bộ phụ trách y tế lao động và mạng
lưới an toàn vệ sinh viên và công tác phòng chống dịch Covid-19, các học viên
đã được trang bị các kiến thức cơ bản về: Các yếu tố tác hại nghề nghiệp và biện
pháp phòng chống; quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao động; phòng,
chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phương án phòng chống dịch Covid-19 hiện
nay tại nơi làm việc; hướng dẫn các kỹ thuật sơ cấp cứu tại chỗ.
Đ/C. Nguyễn Văn Thuần – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mộc
Châu phát biểu khai mạc lớp tập huấn tại huyện Mộc Châu.
Tại huyện Mộc Châu lớp tập huấn có sự tham dự của 30 học
viên đến từ 21 cơ sở lao động trên địa bàn. Phát biểu khai mạc lớp tập huấn, đồng
chí Nguyễn Văn Thuần – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế, đề nghị các đồng chí giảng
viên tập trung cao độ, truyền đạt những kiến thức cơ bản, có trọng tâm, trọng
điểm và kinh nghiệm thực tế đã triển khai tại các đơn vị khác đến học viên, đặc
biệt là kỹ thuật sơ cấp cứu tại chỗ, phòng chống các yếu tố tác hại nghề nghiệp.
Đối với học viên yêu cầu tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, tích cực thảo luận
cùng giảng viên, mỗi học viên phải được làm 1 lần các kỹ thuật sơ cấp cứu,
trình bày các kế hoạch phòng chống dịch Covid-19 tại đơn vị. Đồng thời lĩnh hội,
tham mưu cho lãnh đạo đơn vị áp dụng triển khai đầy đủ các nội dung được tập huấn,
thường xuyên kiểm tra kiểm soát, quan tâm đến chế độ đối với người lao động.
Qua lớp tập huấn đồng chí Trần Văn Long – đại diện Công ty chè Chiềng Ve cho biết: “Do
đặc thù của đơn vị là sản xuất và chế biến chè xuất khẩu, được trang bị nhà xưởng,
máy móc hiện đại. Tuy nhiên với bất kỳ khâu nào trong dây chuyền sản xuất nếu
không nắm vững các quy định về an toàn, không được kiểm soát thường xuyên, sức
khỏe người lao động không được kiểm tra định kỳ, rất dễ xảy ra tai nạn trong
quá trình sản xuất, gây thiệt hại về sức khỏe người lao động và ảnh hưởng dây
chuyền sản xuất, kinh tế cho Công ty. Được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật mời tập
huấn chúng tôi rất phấn khởi khi được tham gia, các giảng viên giúp tôi nâng
cao kiến thức, hiểu rõ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của doanh nghiệp đối với
người lao động, coi người lao động là tài sản quý giá của đơn vị”.
BSCKI. Vi Thị My Son – Trưởng khoa Sức khỏe môi trường - Y tế
trường học - Bệnh nghề nghiệp, giảng viên lớp tập huấn.
Tham gia giảng viên lớp tập huấn BSCKI. Vi Thị My Son – Trưởng
khoa Sức khỏe môi trường - Y tế trường học - Bệnh nghề nghiệp, cho biết: “Thực
hiện kế hoạch hàng năm về hoạt động vệ sinh an toàn lao động, sức khỏe nghề
nghiệp và phòng chống tai nạn thương tích, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cũng đã
chủ động triển khai theo nhiệm vụ đã được giao. Các doanh nghiệp, cơ sở lao động
khi được mời rất ủng hộ việc mở lớp và cử cán bộ đi tham gia đầy đủ, tuy nhiên
số lớp tập huấn mở trong năm cũng còn hạn chế, số lượng học viên tham gia so với
số lượng cán bộ của các cơ sở lao động còn chưa đáp ứng được. Do đó để nâng cao
chất lượng về vệ sinh an toàn lao động, sức khỏe nghề nghiệp và phòng chống tai
nạn thương tích, trong thời gian tới đơn vị sẽ cử các đoàn công tác phối hợp với
Thanh tra Lao động, kiểm tra, hướng dẫn trực tiếp tại các đơn vị, góp phần giúp
đỡ các cơ sở lao động thực hiện tốt hơn và đúng quy định của pháp luật”.
ĐỨC
MỸ - CDC SƠN LA