Đột quỵ: Khi thời gian được tính bằng số tế bào não của người bệnh
Lượt xem: 1821

Đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và là nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng khuyết tật thần kinh ở người lớn. Trong bài viết này, chúng tôi xin gửi đến bạn đọc những thông tin chi tiết về đột quỵ.

 

 

  1. Thông tin cơ bản về đột quỵ

Đột quỵ giống như một cuộc tấn công bất ngờ khiến não không kịp trở tay. Nếu không được can thiệp y tế kịp thời, các tế bào não sẽ nhanh chóng bị tiêu diệt. Vì thế, hiểu biết về đột quỵ là cách hiệu quả nhất để chúng ta đối phó với nó.

1.1. Đột quỵ là gì

Đột quỵ có nhiều tên gọi khác là nhồi máu não hoặc cơn đau não. Nhìn chung, đột quỵ là kết quả của việc các tế bào não bị thiếu oxy và ngừng hoạt động. Khi nguồn cung cấp oxy lên não bị gián đoạn, các tế bào não sẽ chết trong vòng vài phút. 

Vậy, tại sao nguồn cung cấp oxy lên não lại bị gián đoạn? Chúng ta biết rằng, máu là con đường vận chuyển oxy đi khắp cơ thể, bao gồm cả não bộ. Vì thế, khi có thứ gì đó (chẳng hạn như cục máu đông) làm tắc nghẽn mạch máu hoặc khi mạch máu trong não bị vỡ, đột quỵ sẽ xảy ra. 

1.2. Phân loại đột quỵ

Theo cơ chế bệnh sinh thì có 2 loại đột quỵ chính, là đột quỵ do thiếu máu cục bộ và đột quỵ do xuất huyết. 

  • Đột quỵ do thiếu máu cục bộ

Đột quỵ do thiếu máu cục bộ chiếm phần lớn trong các ca đột quỵ. Hiện tượng này xảy ra khi có cục máu đông hoặc mảng xơ vữa (vỡ ra) di chuyển đến các mạch máu trong não và mắc kẹt tại đó. Chúng chặn dòng chảy của máu, khiến các mô não không được cung cấp đủ oxy và chất dinh dưỡng.

Tuy nhiên, nếu nếu dòng máu lên não chỉ bị tắc nghẽn trong 1 thời gian ngắn (thường không quá 5 phút) thì người bệnh có thể gặp cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) hay còn gọi là “cơn đột quỵ nhỏ”.

  • Đột quỵ do xuất huyết

Xuất huyết tức là mạch máu bị vỡ và máu trào ra ngoài. Hiện tượng đột quỵ do xuất huyết có phần nguy hiểm hơn đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến những mô não bị thiếu oxy do lưu lượng máu giảm sút mà lượng máu rò rỉ tại đó cũng có thể gây áp lực lên các tế bào não xung quanh.

Đột quỵ do xuất huyết não tiềm ẩn nhiều nguy hiểm

1.3. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Cơn đột quỵ xảy ra liên quan trực tiếp đến cục máu đông hoặc mạch máu não bị vỡ. Tuy nhiên, không thể xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến đột quỵ vì có rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến biến cố này. Hơn nữa, con người khó có thể kiểm soát được chúng.

  • Tăng huyết áp.

  • Mỡ máu (Cholesterol cao).

  • Bệnh đái tháo đường.

  • Bệnh tim và mạch máu: Bệnh mạch vành, rung tâm nhĩ, bệnh van tim và bệnh động mạch cảnh có thể gây ra cục máu đông.

  • Hút thuốc.

  • Chứng phình động mạch não hoặc dị dạng động tĩnh mạch.

  • Nhiễm virus hoặc các tình trạng gây viêm.

  • Tuổi tác: Nguy cơ xảy ra đột quỵ tăng cao ở trẻ sơ sinh và người cao tuổi. 

  • Giới tính: Ở độ tuổi trẻ hơn, nam giới dễ bị đột quỵ hơn nữ giới. Phụ nữ uống thuốc tránh thai, sử dụng liệu pháp thay thế hormone hoặc đang mang thai và trong vài tuần sau sinh có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn.

  • Chủng tộc và sắc tộc: Người da màu có nguy cơ bị đột quỵ cao hơn người da trắng. 

  • Di truyền: Đột quỵ có tính di truyền. Tức là nếu cha mẹ hoặc thành viên trong gia đình bị đột quỵ, thì nguy cơ con cái bị đột quỵ sẽ cao hơn.

  • Nhóm máu: Nhóm máu AB có nguy cơ mắc đột quỵ cao hơn. 

  • Lo lắng, trầm cảm hoặc mức độ stress cao

  • Sống hoặc làm việc ở những nơi bị ô nhiễm, bao gồm ô nhiễm không khí và nước. 

  • Mắc một số bệnh lý như ngưng thở khi ngủ, rối loạn đông máu, bệnh thận, bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh đau nửa đầu,...

  • Đang sử dụng thuốc chống đông máu hoặc các thuốc khác có thể gây chảy máu. 

  • Thói quen sống không lành mạnh: ăn các thực phẩm không lành mạnh, uống rượu, thức khuya, ngủ quá nhiều (hơn 9 tiếng trong ngày), ít vận động và sử dụng ma túy.

  • Thừa cân và béo phì

Lối sống không lành mạnh làm tăng nguy cơ mắc đột quỵ não

1.4. Dấu hiệu và triệu chứng của đột quỵ

Khi cơn đột quỵ xảy ra, mỗi phút đều là vàng. Nhận biết sớm và điều trị nhanh chóng có thể làm tỷ lệ tổn thương não mà đột quỵ gây ra. Một số dấu hiệu cảnh báo sớm cơn đột quỵ là:

  • Đột ngột tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay hoặc chân, đặc biệt là ở 1 bên cơ thể

  • Đột ngột nhầm lẫn , khó nói hoặc khó hiểu lời nói.

  • Đột ngột khó nhìn ở một hoặc cả hai mắt.

  • Đột ngột đi lại khó khăn , chóng mặt, mất thăng bằng hoặc thiếu phối hợp.

  • Đau đầu dữ dội đột ngột mà không rõ nguyên nhân.

Các dấu hiệu của cơn đột quỵ có khi thoáng qua nhưng có khi lại kéo dài trong vài giờ, thậm chí vài ngày. Khi nhận thấy các dấu hiệu này, cần nghĩ ngay đến cơn đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua và nên gọi 115 ngay lập tức. 

1.5. Biến chứng của đột quỵ

Đột quỵ có thể làm chết các tế bào não và khiến vùng não đó tổn thương lâu dài. Mức độ ảnh hưởng của cơn đột quỵ có thể rất lớn, dẫn đến tàn tật lâu dài hoặc thậm chí tử vong. Chúng bao gồm: 

  • Tiếp tục xuất hiện cục máu đông nguy hiểm: Sau cơn đột quỵ, việc nằm bất động hoặc không thể di chuyển trong một thời gian dài có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông. 

  • Khó nói

  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột.

  • Loãng xương

  • Mất thị giác, thính giác hoặc xúc giác.

  • Yếu cơ hoặc không có khả năng di chuyển.

  • Khó nuốt và viêm phổi.

  • Các vấn đề về ngôn ngữ, suy nghĩ hoặc trí nhớ.

  • Co giật.

  • Sưng trong não.

  1. Cần làm gì khi người thân bị đột quỵ?

Sau đây là những điều cần làm nếu phát hiện người thân có dấu hiệu hoặc bị đột quỵ.

  • Gọi ngay cấp cứu (115)

Yếu tố quan trọng nhất trong 1 cơn đột quỵ là thời gian. Vì 4,5 giờ đầu tiên là thời gian vàng để kiểm soát tốt cơn đột quỵ. Vì thế, đừng chần chừ mà hãy gọi ngay cho nhân viên y tế và thông báo về tình trạng của người bệnh. 

Nếu vẫn còn hoang mang về quyết định của mình, bạn có thể thực hiện bài kiểm tra FAST để biết rõ người đó có đang bị đột quỵ hay không. 

Thực hiện kiểm tra FAST khi nghi ngờ người bệnh bị đột quỵ

  • Ghi nhớ các triệu chứng và các mốc thời gian

Hãy cố gắng tìm ra thời điểm gần nhất mà người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào, thời điểm các triệu chứng khởi phát và các thuốc họ đang sử dụng. Những thông tin này có thể giúp nhân viên y tế đưa ra quyết định sáng suốt hơn về các lựa chọn điều trị và đảm bảo chúng an toàn nhất có thể.

  • Thực hiện hô hấp nhân tạo nếu cần

Nếu người bệnh đã bất tỉnh, hãy kiểm tra mạch và nhịp thở. Nếu không tìm thấy gì, bạn có thể thực hiện sơ cứu đột quỵ bằng cách bắt đầu hô hấp nhân tạo trong khi chờ xe cứu thương đến. 

  1. Giải đáp các thắc mắc liên quan đến đột quỵ

3.1. Cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) có nguy hiểm không?

Bệnh nhân có thể không phải nhập viện ngay tại thời điểm đó, nhưng cơn TIA là hồi chuông cảnh báo cho một cơn đột quỵ thực sự trong tương lai. 

Các thống kê cho thấy, hơn 30% số người gặp cơn TIA mà không được điều trị sẽ bị đột quỵ nặng trong vòng 1 năm sau đó. Và khoảng 10 đến 15% những người gặp cơn TIA sẽ bị đột quỵ nghiêm trọng trong vòng 3 tháng nếu không được can thiệp y tế. 

Vì thế, nếu gặp cơn TIA, bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.

3.2. Bệnh rung nhĩ có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?

Bệnh nhân mắc rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường. Vì trong rung nhĩ, nhịp tim không đều và có thể nhanh bất thường. Tâm nhĩ trái không co bóp đồng đều có thể dẫn đến sự hình thành của cục máu đông gây tắc nghẽn mạch máu não. 

3.3. Bị đột quỵ não có nên tiêm vacxin covid-19 không?

Theo trang web của các cơ quan chính phủ Anh cập nhật ngày 23/4/2021. Hiện nay vacxin được ưu tiên cho 10 nhóm người, trong đó nhóm ưu tiên thứ 6 dành cho những bệnh nhân độ tuổi 16 đến 65 tuổi có mắc các bệnh nền trong đó có đột quỵ não. 

Như vậy các bác sỹ cần lưu ý là những người sống sót sau đột quỵ, bất kể loại đột quỵ não nào bao gồm cả chảy máu dưới nhện, đều thuộc nhóm 6 trong danh sách ưu tiên, và họ nên được tiêm vaccine phòng Covid-19.

3.4. Sau đột quỵ có thể đi máy bay không?

Theo Hội đột quỵ Anh, nếu bạn bị đột quỵ não, bạn không nên đi máy bay trong vòng 2 tuần sau khi bị đột quỵ.

Đối với những trường hợp đột quỵ nặng, thời gian đó có thể là 3 tháng.

Trường hợp đột quỵ nhẹ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua bạn có thể đi máy bay tối thiểu sau 3-10 ngày nếu đã hồi phục hoàn toàn.

Người bị đột quỵ không nên đi máy bay ít nhất 2 tuần

3.5. Ăn gì để giảm nguy cơ đột quỵ?

Các thực phẩm có nguồn gốc thực vật là lựa chọn tốt nhất để phòng tránh đột quỵ. Một chế độ ăn nhiều rau xanh, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và trái cây giúp trái tim và mạch máu khỏe mạnh hơn. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, mỗi ngày ăn 10 gam chất xơ có thể góp phần giảm đến 12% nguy cơ bị đột quỵ. 

Tóm lại, cơn đột quỵ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bất kỳ ai ở mọi lứa tuổi. Nhưng, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa và giảm thiểu các tác động của nó. Thực hiện lối sống lành mạnh và trang bị kiến thức về đột quỵ là những để cần làm để bảo vệ bản thân và gia đình. 

Ảnh: https://drive.google.com/drive/folders/15HNknffH-_QVjuRlX6t6FXyzty_gJvbn?usp=sharing 

Tài liệu tham khảo:

  1. Division for Heart Disease and Stroke Prevention (Ngày đăng: Ngày 02 tháng 11 năm 2022). About Stroke, National Center for Chronic Disease Prevention and Health Promotion. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023. 

  2. National Heart, Lung, and Blood institute (Ngày đăng: Ngày 24 tháng 03 năm 2022). What Is a Stroke? National Institutes of Health. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023. 

  3. Bác sĩ ĐÀO THỊ MỸ VÂN – Phòng khám nội tổng hợp. (Ngày đăng: ngày 29 tháng 10 năm 2022. Đột quỵ: Thông tin cần biết cho bệnh nhân, người thân và bạn bè. Ngày truy cập: 23 tháng 03 năm 2023.

  4. Đột quỵ do thiếu máu cục bộ: Phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị theo BMJ.

  5. Dược sĩ Khánh Linh (Ngày cập nhật: Ngày 17 tháng 11 năm 2021). Tai Biến Mạch Máu Não (Đột Quỵ): Chẩn Đoán Và Phác Đồ Xử TríTrungTamThuoc.com. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023.

  6. Mayo Clinic Staff (Ngày đăng: Ngày 20 tháng 01 năm 2022). Stroke, Mayo Clinic. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023. 

  7. Dược sĩ Nguyễn Minh Anh (Ngày cập nhật: Ngày 19 tháng 11 năm 2021). Phục Hồi Chức Năng Sau Đột Quỵ Não (Tai Biến Mạch Máu Não)trungtamthuoc.com. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023.

  8. Xử trí tăng huyết áp sau đột quỵ thiếu máu cục bộ. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023.

  9. Valencia Higuera, (Ngày đăng: Ngày 05 tháng 12 năm 2018). Do’s and Don’ts When a Loved One Is Experiencing a Stroke, Healthline. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023. 

  10. HƯỚNG DẪN XỬ TRÍ SỚM ĐỘT QUỴ NĂM 2018 THEO AHA/ASA.

  11. Mối liên quan giữa tăng huyết áp và đột quỵ: tóm tắt các nghiên cứu dịch tễ của nhóm tác giả Dilip K. Pandey, Noha Aljehani, and Youji Soga. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023.  

  12. Ảnh hưởng của tăng huyết áp và đột quỵ tới tuần hoàn mạch não của tác giả Anne M. Dorrance.

  13. Hani Humaidan, Nawaf Yassi, Louise Weir, Stephen M. Davis, Atte Meretoja (Ngày đăng: Ngày 29 tháng 07 năm 2016). Airplane stroke syndrome, Science Direct. Ngày truy cập: Ngày 23 tháng 03 năm 2023. 

Tiến sĩ Bác sĩ Nguyễn Quang Ân

Nguồn: https://soyte.phutho.gov.vn/Chuyen-muc-tin/Chi-tiet-tin/title/10380/ctitle/152

Đăng nhập

 

BẢN QUYỀN THUỘC TRUNG TÂM KIỂM SOÁT BỆNH TẬT TỈNH SƠN LA

Chịu trách nhiệm xuất bản: BS CKII. Lê Hồng Trường - Giám đốc

Địa chỉ:  Số 84A - Đường Lò Văn Giá, tổ 4, Phường Chiềng Lề, TP.Sơn La -  ĐT: 0212.3852.247 (Liên hệ trong giờ hành chính) - Email: ttksbt@sonla.gov.vn

Giấy phép Website: Số 02/GP-TTĐT ngày 18/02/2020; Số 01/GP-TTĐT ngày 31/10/2023