Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin cho và lựa chọn vắc xin phòng COVID-19 tại Việt Nam
Trước tình hình diễn biến phức tạp của
COVID-19, ngày 31/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 1063/CĐ-TTg về phòng,
chống dịch COVID-19. Thủ tướng yêu cầu tuyệt đối không được lợi
dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối tượng và các tiêu cực khác
trong việc tiêm vắc xin, xử lý nghiêm, kịp thời trường hợp vi phạm.
Thủ tướng yêu cầu các
địa phương tổ chức tiêm vắc xin phòng COVID-19 nhanh, đúng đối tượng, an toàn,
hiệu quả, không để vắc xin hết hạn; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng xin
cho, lựa chọn vắc xin, lợi dụng chức trách để tiêm cho người không đúng đối
tượng và các tiêu cực khác trong việc tiêm vắc xin. Xử lý nghiêm, kịp thời theo
pháp luật các trường hợp vi phạm. "Người đứng đầu các cấp chính
quyền chịu trách nhiệm trực tiếp về công tác phòng chống dịch bệnh, trong đó có
việc tiêm vắc xin".
Cùng với những biện
pháp như xét nghiệm diện rộng và truy vết thần tốc, vắc xin là công cụ quan
trọng giúp kiểm soát đại dịch COVID-19. Một số vắc-xin COVID-19, bao gồm
vắc-xin được sản xuất bởi Oxford-AstraZeneca, Pfizer/BioNTech, Sputnik,
Sinopharm, Spikevax, Moderna và Jansen đã vượt qua quá trình kiểm duyệt nghiêm
ngặt của nhiều cơ quan, tổ chức trên thế giới trong khi các vắc-xin khác vẫn
đang trong quá trình thẩm định. Cuộc đua về tiêm phòng COVID-19 cho người dân
đã bước sang trang mới. Đến thời điểm hiện nay, tất cả các vắc xin được cấp
phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn và hiệu quả có 6 loại vắc
xin phòng COVID-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam.
Qua nghiên cứu bước đầu tại một số
quốc gia, bên cạnh hiệu lực vắc xin từ Chương trình thử nghiệm lâm sàng được
xác định và phê duyệt, những người đã tiêm đủ liều vắc xin COVID-19 đều
chứng minh được các loại vắc xin có hiệu lực 82 - 95% trong việc phòng ngừa
COVID-19 có triệu chứng, giảm tỷ lệ bệnh nặng, tỷ lệ biến chứng và tử vong. Bên
cạnh đó, kết quả nghiên cứu lâm sàng của vắc xin phòng COVID-19 cũng đã
chứng minh được tính an toàn của loại vắc xin được cấp phép, khi không ghi nhận
bất kỳ vấn đề sức khỏe nghiêm trọng nào. Đến nay đã có bằng chứng về việc tiêm
phối hợp mũi 1 là vắc xin do AstraZeneca và mũi 2 là vắc xin do Pfizer sản
xuất, cho thấy đáp ứng miễn dịch tốt, tuy nhiên có thể tăng nhẹ phản ứng thông
thường sau tiêm chủng. Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ
và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc xin từ các nguồn khác nhau, Bộ Y tế hướng
dẫn "những người đã tiêm mũi 1 vắc xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng
vắc xin đó". Trong trường hợp nguồn vắc xin hạn chế, có thể phối hợp bằng
cách tiêm mũi 2 vắc xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc xin
AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý, khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là
8-12 tuần. Bộ Y tế khẳng định, không sử dụng vắc xin do Moderna sản xuất hoặc
các vắc xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc xin AstraZeneca. Ngoài
ra, những người đã tiêm vắc xin Sinopharm, Pfizer, Moderna mũi thứ 1 thì mũi
thứ 2 chỉ tiêm vắc xin cùng loại. Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện và đơn vị, các
cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với số vắc xin được cung ứng
và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ
rộng.
Đến nay,
Việt Nam đã tiếp nhận gần 18 triệu liều vắc xin tiêm cho lực lượng tuyến đầu
chống dịch và người dân. Trong giai đoạn dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức
phức tạp với số ca mắc và số người tử vong ngày càng cao, mọi người dân tránh
chờ đợi, không nên lựa chọn vắc xin, có loại nào nên tiêm ngay loại đó, nghiêm
túc thực hiện 5K + vắc xin, để phòng bệnh hiệu quả đảm bảo sức khỏe cho bản
thân, gia đình và toàn xã hội./.
CN. MAI TRANG