TẬP HUẤN KỸ NĂNG THỰC HIỆN CÁC BƯỚC THÔNG BÁO XÉT NGHIỆM BẠN TÌNH/BẠN CHÍCH (PNS), TIẾP CẬN MẠNG LƯỚI XÃ HỘI (SNS), NHẠY CẢM GIỚI (SOGIE) VÀ TRUYỀN THÔNG TẠO CẦU CHO CÁN BỘ TƯ VẤN TẠI CÁC CƠ SỞ ĐIỀU TRỊ ARV/PREP TỈNH SƠN LA NĂM 2024
Toàn cảnh lớp
tập huấn
Nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ thực
hiện công tác phòng chống HIV/AIDS, trong hai ngày 22-23/8/2024 Trung tâm Kiểm
soát bệnh tật (CDC) tổ chức Tập huấn kỹ năng thực hiện các bước thông báo xét nghiệm
bạn tình/bạn chích (PNS), tiếp cận mạng lưới xã hội (SNS), nhạy cảm giới
(SOGIE) và truyền thông tạo cầu cho cán bộ tư vấn tại các cơ sở điều trị
ARV/PrEP tỉnh Sơn La năm 2024.
Tham dự lớp tập huấn có ThS. Nguyễn Thị Hiệp,
chuyên gia VP CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam, các cán bộ đại diện Cục Phòng, chống HIV/AIDS;
BSCKI. Đặng Thị Ánh Duyên- Phó Giám đốc CDC Sơn La cùng 30 học viên là thành
viên nhóm hỗ trợ kỹ thuật tuyến tỉnh; bác sĩ điều trị, điều dưỡng làm việc trực tiếp tại
Phòng khám ngoại trú HIV/AIDS của Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa khoa các
huyện; cán bộ phụ trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Trung tâm Y tế huyện
Mai Sơn, Thuận Châu, Mường La và Thành Phố.
BSCKI. Đặng
Thị Ánh Duyên- Phó Giám đốc CDC phát biểu khai mạc lớp tập huấn
HIV/AIDS hiện vẫn là một trong
những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật tại Việt Nam. Tính đến
31/7/2024, Sơn La ghi nhận số mắc tích lũy là 9.640 ca, số còn sống là 4.922 ca,
số đang điều trị ARV là 4.521. Nhiều năm gần đây công tác điều trị cho bệnh
nhân HIV/AIDS được củng cố, nâng cao (Bệnh
nhân được điều trị sớm, tuân thủ điều trị, sử dụng thuốc kết hợp 2-3
loại/viên,…) đã giúp cho các bệnh nhân HIV duy trì tình trạng sức khỏe tốt,
số tử vong do HIV giảm rõ rệt qua các năm. Tuy nhiên HIV/AIDS đang có xu hướng
gia tăng nhiễm mới, chủ yếu là nhóm thanh thiếu niên trẻ. Đặc biệt, tỷ lệ nhiễm
HIV qua nhóm MSM đang gia tăng và đường lây truyền chuyển dịch từ tiêm chích ma
túy sang lây truyền qua đường tình dục. Chính vì vậy, việc thay đổi cả hình
thức cũng như nội dung truyền thông tạo cầu phòng, chống HIV/AIDS để thông điệp
truyền thông đến đúng đối tượng là hết sức cần thiết. Để đáp ứng nhanh, tư vấn viên, cán
bộ y tế cần thực hiện các cách thông báo chủ động và ưu tiên người có HIV đóng
vai trò “hạt giống” để tìm người nguy cơ cao khác. Kết hợp cấp phát sinh phẩm
tự xét nghiệm khi thực hiện PNS/SNS. Tăng cường tư vấn xét nghiệm bạn
tình, bạn chích (PNS) của ca nhiễm mới sẽ góp phần kiểm soát chuỗi lây truyền
HIV trong cộng đồng.
Đại biểu và
học viên tham dự lớp tập huấn
Tại lớp tập huấn nhóm giảng viên
của Cục
Phòng, chống HIV/AIDS/Dự án EPIC/CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam và CDC (nhóm hỗ trợ kỹ
thuật tuyến tỉnh) cập nhật, chia sẻ: Tổng quan về chương trình
chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và điều trị PrEP tại địa phương, khái niệm về nhạy
cảm giới, phổ biến các khái niệm đa dạng về giới và xu hướng tính dục, kiến
thức, kỹ năng thực hiện mô hình các bước thông báo xét nghiệm bạn tình/bạn
chích (PNS), tiếp cận mạng lưới xã hội người có nguy cơ cao (SNS) mô hình lồng
ghép SNS, vận dụng phỏng vấn tạo động lực trong PNS/SNS để cải thiện kết quả tư
vấn và giới thiệu, hướng dẫn sử dụng, ghi chép các sổ sách, biểu mẫu thực hiện
SNS. Ngoài
ra, các học viên còn được hướng dẫn truyền thông tạo cầu dịch vụ HIV/AIDS, tham gia thực hành nhóm về các hoạt
động như: Thực hành mô hình PNS, SNS và mô hình lồng ghép PNS/SNS; thảo luận
các tình huống từ đó phân tích khó khăn, thuận lợi và rút ra bài học kinh
nghiệm.
Qua lớp tập huấn, các học viên được cung cấp kiến thức, kỹ năng thực
hiện thông báo xét nghiệm bạn tình/bạn chích, tiếp cận mạng lưới xã hội, nhạy
cảm giới và truyền thông tạo cầu tại các cơ sở điều trị ARV/PrEP, nâng cao năng
lực để thực hiện hiệu quả các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương.
CN. Mai Trang- CDC Sơn La